Một hệ thống chống sét trực tiếp cơ bản, bao gồm các thành phần sau:
- Kim thu sét (bao gồm dây dẫn liên kết trên mái công trình với kim thu sét).
- Dây dẫn xuống (dây dẫn sét).
- Hệ thống tiếp địa (gồm cọc tiếp địa và dây dẫn liên kết các cọc tiếp địa chôn sâu dưới đất).

Ứng dụng và tính năng của các thiết bị chống sét
Kim thu sét:
Kim thu sét là bộ phận quan trọng của hệ thống chống sét trực tiếp, đây là vị trí để sét đánh trúng.
Kim thu sét có thể được cấu thành bởi thanh sắt hoặc vật liệu kim loại chống gỉ (thép chống gỉ, inox, đồng, thép mạ đồng, nikel v.v) tùy thuộc điều kiện kinh tế và tuổi của công trình, Các kim chống sét này có thể được tạo thành bởi chính các đoạn dây dẫn bằng kim loại kể trên liên kết theo chiều ngang hoặc dọc mái đến các điểm góc mái với đường kính tối thiểu từ 8-10mm hoặc có tiết diện từ 50 milimet vuông trở lên tùy vào loại vật liệu sử dụng.
Dây dẫn liên kết các kim thu sét được gắn trực tiếp lên phần ngoài cùng của mái công trình (không áp dụng trường hợp cho mái sử dụng vật liệu chống nóng dễ bắt lửa hoặc mái công trình bằng vật liệu kim loại mỏng, chi tiết liên hệ với chúng tôi để được tư vấn), cố định dọc theo các bờ cạnh của mái. Các điểm đan chéo giữa các dây dẫn và kết nối với dây dẫn xuống được liên kết với nhau đảm bảo cố định chắc chắn.
Dây dẫn xuống:
Chức năng của dây dẫn xuống là dây liên kết từ bộ phận kim thu sét với hệ thống tiếp địa.
Lựa chọn sử dụng vật liệu làm dây dẫn sét là cáp thép tráng kẽm hoặc cáp đồng với tiết diện từ Ø8 (50mm2), các dây dẫn được bắt cố định trên cạnh mái và trên tường đảm bảo chắc chắn.
Các điểm liên kết giữa dây dẫn xuống với dây liên kết trên mái và hệ thống tiếp địa được hàn hoặc kẹp cố định.
Số lượng dây dẫn sét tùy thuộc vào kích thước của ngôi nhà tuy nhiên tối thiểu nên có 2 dây dẫn xuống được đặt ở vị trí đối xứng nhau, khoảng cách giữa các dây dẫn xuống quanh tường bao không vượt quá 20m.
Lưu ý: Lắp đặt các dây dẫn xuống phải đảm bảo mỹ quan cho công trình và tránh những vị trí có thể gây nguy hiểm cho con người.

Hệ thống tiếp địa:
Hệ thống tiếp địa bao gồm các cọc tiếp địa chôn sâu trong lòng đất, dây liên kết cọc tiếp địa được bao xung quanh chân móng của công trình có chức năng tiêu tán toàn bộ năng lượng của xung sét vào trong đất, đồng thời giảm thiểu các tác động do sét gây ra đối với con người đi lại xung quanh công trình: Hiện tượng điện áp bước, điện áp chạm,...
Với phương pháp đóng cọc trực tiếp: Các cọc tiếp địa được đóng xuống nền đất trong các rãnh sâu tối thiểu 80 - 100cm. Vị trí các cọc tiếp địa được đóng cách móng công trình tối thiểu 1m.
Các dây dẫn được liên kết trong các rãnh tiếp địa và được chôn sâu cách mặt đất từ 80-100cm. Liên kết dây dẫn với các cọc tiếp địa bằng cách sử dụng kẹp hoặc hàn và nên được quấn lớp vải hoặc màng bảo vệ giảm tác động ăn mòn bởi môi trường xung quanh làm tăng tuổi thọ công trình.
Hệ thống tiếp địa sau khi thi công tốt nhất nên có giá trị nhỏ hơn 10Ohm là đạt yêu cầu và đảm bảo an toàn.
Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét